TRUNG THU NGÀY ẤY…BÂY GIỜ
Mỗi lần lá thu bay, mỗi khi trời heo mây gió. Con phố mưa bay bay bụi mờ, tiếng trẻ thơ nô nức đến trường trong tháng chín. Lòng hắn lâng lâng khi nghĩ về đêm Trung thu, tết của đoàn viên, của mái ấm gia đình, và tết của tình yêu thương mà mọi người dành cho các em Thiếu nhi.
Tuổi thơ của hắn lặng lẽ một thời, sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ hắn rất vất vả, ngày thì “ bán mặt cho đất”, tối thì “ bán lưng cho trời”, một nắng hai sương, dãi gió dầm mưa, để có cái ăn, cái mặc, nuôi anh chị em hắn có được con chữ bỏ bụng. Hồi đó hắn và chúng bạn háo hức đón đợi đêm trung thu, bởi rất đơn giản, đêm rước đèn, múa lân và phát bánh. Ôi những chiếc bánh đậu xanh, những chiếc bánh cốm thơm dẻo…luôn là một nỗi nhớ hằn sâu, cho những ai đi xa, vẫn nhớ quê nhà. Rước đèn ông sao, rước đèn cá chép, ngắm nhìn thỏ ngọc, chú Cuội, chị Hằng Nga, tất cả chìm vào trong giấc ngủ, mà tuổi thơ một thời nuôi hắn lớn khôn. Ở xóm nghèo, nên lũ nhỏ cũng khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chỉ có tuổi thơ với trí tưởng tượng phong phú, luôn là những cô Tiên, ông Bụt trong các câu chuyện cổ tích, mà cô kể sáng đến lớp, và mẹ kể khi vỗ về giấc ngủ tuổi thơ. Chiếc bánh trung thu ngày ấy rất bình thường, chỉ là nếp, đậu xanh, đường, chút sữa…thế mà nó ngọt ngào đến tận thịt da. Bánh ngày ấy không tẩm hoá chất, không có các loại chất xúc tác hoá học, không meo không mốc, ăn không bị ngộ độc thực phẩm. Hắn và lũ bạn sung sướng khi nhận bánh và ăn bánh, thật thú vị và sảng khoái, khi cùng nhau ngồi trên những mảng cỏ xanh rờn, bên cạnh những đống rơm sực nức mùi bông lúa. Vừa ăn bánh, vừa ngắm trăng, và hắn ước mơ được bắc thang lên thăm chị Hằng Nga và chú Cuội. Bây giờ Trung thu đến, hắn và chúng bạn loay hoay tìm cách mua bánh và tổ chức Trung thu cho các em thiếu nhi, tuổi của một thời áo trắng thôi bay. Lương tháng không bao nhiêu, chỉ trích ra tí xíu, rồi : “ Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nó và chúng bạn đêm trung thu, ngược xuôi mọi nơi, mỗi năm tìm đến những miền quê nghèo, để phát bánh cho các em. Bánh trung thu ngày nay, đủ màu, đủ sắc, đủ loại, nhìn rất bắt mắt, và ăn cũng rất ngon, dĩ nhiên là phải đắt tiền rồi. Thế nhưng nhan nhản đó đây, trên các trang bao chí, người ta luôn kêu mời mọi người hãy cảnh giác với những loại bánh trung thu dỏm, bánh nhái và thậm chí bánh đã hết hạn sử dụng, bây giờ mang ra dùng lại. Thật trớ trêu, thật đáng buồn, gạo giả, mực giả, trứng gà giả, bánh trung giả…Thương thay lương tâm của con người ngày nay (đọc bài cảnh giác bánh Trung thu dỏm- Hoàng Việt trên báo Thanh niên ngày thứ ba, 4/9/2012).
Các em thiếu nhi bây giờ đã đổi thay quá nhiều so với thời của hắn. Tuổi thơ ngày ấy, chỉ vui thú với những trò chơi dân gian, không điện đường, không điện thoại di động, không kết nối 3G, không Internet, xe máy cũng không. Tuổi thơ hôm nay được diễm phúc và tiếp cận với tất cả những di sản, tài sản văn minh của nhân loại. Nhưng cũng đáng buồn thay, đó đây vẫn xảy ra những cảnh bạo lực thật đáng lo ngại trong tuổi học trò. Biết bao tuổi thơ của các em vẫn không được học hành, và rất nhiều em phải lao động trong lứa tuổi thiếu nhi. Càng nghĩ hắn càng cảm thấy đau lòng, ước mong sao có nhiều tấm lòng quảng đại và quan tâm đến những mầm non của Giáo hội và xã hội.
Đường phố đêm về lạnh với những giọt mưa thu. Trăng rằm tháng tám không sáng, bởi tiết trời và bởi ánh sáng của điện đường. Thế nhưng lòng hắn rộn ràng những tia sáng của tình yêu thương. Tình yêu thương ấy không đến từ tự nhiên mà bắt nguồn từ Đấng siêu nhiên, Đấng đã đặt tay chúc lành cho trẻ thơ và dạy mọi người:: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19, 13-15 )
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc