NHỮNG CÁM DỖ TRONG ĐỜI
(Chúa nhật I MC-)
Vua Đa-vít trong hoàng cung, vào một buổi trưa nhàn rỗi, ông bách bộ trên sân thượng tại Giê-ru-sa-lem. Bất chợt một cái nhìn thoáng hiện, nàng Bethsaida đang tắm. Cơn cám dỗ thể xác nổi lên, khiến Đa-vít cùng một lúc vấp phải hai sai lầm lớn: ngoại tình và giết tướng triều đình là U-ri-a( 2Sm 11, 1-3).
Cám dỗ là vậy, có thể khởi đi từ những ánh nhìn, từ những lời nói, hay cử chỉ, thậm chí nó có thể phát xuất từ những điều hết sức cao đẹp, nhưng không phải do từ Thiên Chúa, mà là ma quỷ. Chúa Giê-su đã trải qua những đợt sóng dập dồn của sự sinh tồn, lòng kiêu hãnh, tính tự phụ và nhất là không theo ý muốn của Thiên Chúa. Ma quỷ đề nghị Chúa hãy dễ dàng và hãy sẳn sàng theo sự dễ dãi của xác thịt: đói ăn, khát uống, và hưởng thụ những vinh hoa, phú quý của trần gian. Cơn đói vật chất vẫn đang cồn cào và nó có thể dẫn con người đến chỗ tàn sát lẫn nhau. Tiền bạc vẫn luôn là người đầy tớ tốt, nhưng cũng là một ông chủ xấu nhất. Người ta sống không nguyên bởi bánh, đâu phải căng cái bao tử là con người sẽ thỏa mãn. Quyền lực cũng là một hấp lực nhất mà ai cũng muốn có để thống trị. Có lần Đức Giê-su đã phải khiển trách các môn đệ, bởi họ đang cải cọ nhau, vì để sắp đặt những chức tước, địa vị mà họ ngỡ sẽ có trong vương quốc của Thầy mình. Có địa vị cao, người ta sẽ dễ dàng thâu tóm tất cả: chính trị, kinh tế, ngân hàng, quân đội và sự cạnh tranh phát triển.
Quyền lực cũng dễ dàng biến con người thành những kẻ độc tài và tàn ác. Trong lịch sử của các dân tộc, không khó để nhận thấy điều này. Lạc thú cũng vậy, nó rình rập và quật ngã mỗi người bất cứ thời điểm nào và giây phút nào. Samson thủ lĩnh của bộ tộc Đan chiến đấu với người Philitin, ông đã gục ngã vì nàng Dellilah xinh đẹp, khi tiết lộ cho nàng vì đâu mà mình có sức mạnh đánh tan quân thù. Vì ham mê lạc thú mà Samson đã mất hết sức mạnh do Thiên Chúa ban cho ông.
Cám dỗ vẫn hoành hành và hết sức tinh vi, nó gieo vào lòng con người như những cái bẫy dính chuột. Đầu tiên con chuột chỉ thấy miếng mồi béo bở, chứ nào đâu thấy chiếc bẫy. Đến khi một tiếng cạch vang lên khô khóc, lúc đó chú chuột mới hay mình đã bị mắc lừa.
Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
Lm Giacobe Tạ Chúc
Ma qủi cám dỗ – Cố Lm Hồng Phúc
Bài Phúc Âm hôm nay đề cập đến cuộc tranh chấp giữa Chúa Giêsu và ma quỉ. Một cuộc tranh chấp sẽ còn kéo dài trong những ngày sắp tới và còn tiếp tục trong lịch sử Giáo hội cũng như trong cuộc sống mỗi người, cho đến ngày toàn thắng cuối cùng của Chúa.
Đã là một cuộc tranh chấp thì có hai đối thủ đương đầu: Chúa Giêsu và ma quỉ.
Người Công giáo chúng ta, ai cũng tin có ma quỉ, vì Thánh Kinh đã nói rõ ràng và trong đời sống, chúng ta nhận thấy hoạt động của nó. Tuy nhiên, ma quỉ – những thiên thần ngụy vốn rất khôn ngoan-, biết dấu đầu che đuôi, để làm cho một số người không tin rằng nó có. Cha Ravignan nói: “Cái khôn ngoan của ma quỉ ngày nay là làm cho người ta tin tưởng rằng nó không có, để dễ dàng hoạt động”.
Ma quỉ thuộc thế giới vô hình, chúng ta không nhìn thấy nhưng nhận thức sự hiện diện của nó qua các hoạt động. Ma quỉ thường hoạt động bằng 3 cách: ám ảnh, phá phách, và cám dỗ.
Trước hết, ma quỉ ám ảnh người ta, dùng nạn nhân như dụng cụ để nói năng hoạt động. Chúa Giêsu đã trừ quỉ nhiều lần (Mt 8, 16; Mc 1, 32; Lc 4, 41…). Chúa ban cho các tông đồ quyền năng ấy (Mt 10, 1 & Mc 3, 15). Giáo hội cũng thừa hưởng trong sứ vụ “trừ quỉ”.
Báo Express của Pháp ngày 22-4-1974, đăng tải một bài nói về những vị trừ quỉ, cho biết cả nước Pháp có 8 vị, những linh mục thánh thiện, khôn ngoan và can đảm được chỉ định để làm nghi thức trừ quỉ theo Phụng vụ khi cần đến. Một vị, Cha Henri Gesland, 66 tuổi, nói: “Tôi không cần xem phim Người trừ quỉ-Exorcist-đang làm xôn xao dư luận, vì sự thật mà tôi phải đương đầu còn hơn trong phim”.
Ma quỉ còn phá phách, nhất là những tâm hồn thánh thiện đạo đức. Thánh Gioan Vianney, Cha sở họ Ars, bị ma quỉ phá trong 35 năm và chỉ được buông tha một năm trước khi Ngài qua đời. Ở Việt Nam, câu chuyện chị Anna Diệu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, nạn nhân của ma quỉ, được kiểm chứng và ghi trong cuốn “Le diable au Couvent” (Quỉ trong Tu viện) của Đức Cha De Cooman.
Nhất là ma quỉ hay cám dỗ chúng ta, xúi dục ta sa ngã phạm tội.
Bài Phúc Âm đề cập đến 3 đợt cám dỗ của ma quỉ. Chúa chấp nhận bị satan cám dỗ. Luca viết: “Thánh Thần đưa Ngài vào hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ”. Ma quỉ dùng ba tư tưởng để cám dỗ Chúa thì nó cũng dùng ba thứ mồi nhử để lôi kéo chúng ta, là tiền tài, danh vọng và sắc dục.
Cuộc đương đầu với ma quỉ còn kéo dài. Luca viết: “Ma quỉ rút lui để chờ dịp khác”, thì đối với chúng ta cũng vậy, một nhà tu đức viết: “Đó là cơm bữa hàng ngày”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cầu nguyện, ăn chay hãm mình, để bắt chước Chúa chống lại chước cám dỗ của tà thần.
“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Kinh Lạy Cha).