Mồng hai tết: kính nhớ ông bà tổ tiên
Đời nhà Hán bên Trung hoa có một người nổi tiếng là có lòng hiếu thảo với cha với mẹ. Đó là Bá Du. Hồi còn nhỏ mỗi khi làm điều gì sai quấy mà bị mẹ đánh thì Bá Du luôn tươi cười vui vẻ nhận lỗi, không bao giờ dám cãi. Nhưng một ngày nọ sau khi bị mẹ sửa phạt bằng roi thì Bá Du oà lên khóc. Thấy thế bà mẹ thắc mắc hỏi:
- Bao nhiêu lần mẹ đánh con để dạy con mà con không khóc thế thì tại sao lần này con lại khóc?
Bá Du lễ phép trả lời:
- Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm thế nhưng con không khóc vì con thấy sức của mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau bằng những lần trước nhưng con lại khóc vì con thấy sức mẹ không còn khoẻ như xưa…mẹ đã già yếu. Con khóc vì thương mẹ chứ không phải vì giận hờn.
Ngày xưa Đức Phật đã dạy các đệ tử: “Trên đời này có hai người mà ta không thể trả hết ơn được là cha và mẹ ta. Dù có cõng cha mẹ trên vai suốt cả trăm năm cuộc đời, hay có tán xương lóc thịt để làm thức ăn cho cha mẹ cả trăm ngàn kiếp, cũng chưa đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vì công ơn cha mẹ to lớn lắm” (Kinh Vu Lan).
Kính thưa anh chị em! Điều răn thứ 4 dạy chúng ta: “ Thảo kính cha mẹ”, và sách Huấn ca cũng răn dạy: “Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đền đáp cho cân xứng” (Hc 7,27-28). “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đều con đốn mạt, nhuốc nhơ” (Cn 19,26).
Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã đề cao vai trò gia đình, lòng thảo hiếu của con cái “chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba, chuyên môn đến đâu có thể thay thế cha mẹ được . Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng , tương lai Hội Thánh và xã hội nhân lọai cũng rung rinh sụp đổ”. Đức Thánh GH Gioan XXIII biên thư cho cha mẹ ngày ngài được ngũ tuần: “ Thưa thầy mẹ , hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi trên chân thầy mẹ” ( ĐHY 505). Tục ngữ Việt nam khẳng định: “ một mẹ già bằng ba hàng dậu”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết rằng: “ Quê hương muôn người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”.
Vâng cha mẹ mãi là những nguồn chất dinh dưỡng của sự hy sinh, vất vả, quên mình, một nắng hai sương, để cho cây đời con cái được phát triển, xanh tươi và lớn lên mỗi ngày. Gốc cây già sẽ ,một ngày quỵ ngã vì dưới sức nặng của thời gian bào mòn theo năm tháng, để cây xanh con cháu ngút ngàn lớn khôn lên, qua những nhọc nhằn mồ hôi và nước mắt của mẹ cha. Xin nghiêng mình kính cẩn dâng lên Chúa lời cầu xin tha thiết: cho cha mẹ con mãi mãi an bình và hạnh phúc bên con cháu, trong những ngày còn lại trên trần gian này. Amen.