LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THUẬN NGHĨA QUA BA GIAI ĐOẠN: Giai đoạn hình thành --- TIN MỪNG được đón nhận
Giai đoạn tăng trưởng --- TIN MỪNG được sống
Giai đoạn phát triển --- TIN MỪNG được chia sẻ
Giai đoạn hình thành:
Cuộc di cư năm 1954 chia cắt hai miền Nam Bắc. Một số các anh chị em thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa miền Bắc, đi vào Nam và đã định cư tại mảnh đất Thuận Nghĩa trên quốc lộ 1, km 11. Năm 1956, cha Phê-rô Nguyễn Linh coi sóc và lấy ngày lễ Mẹ Lộ đức ( 11/02), làm Bổn mạng của Giáo xứ. Nhân số ban đầu khoảng 1.000 người, gồm Thuận Nghĩa, Yên Lưu, Tân Lập, Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Thuận Giang, Thanh Dã, Bột Đà, Trang Nứa, Yên Lý,…theo tên gọi ngoài Bắc. Vào Nam Xứ Thuận Nghĩa chia thành 4 giáo họ: Thuận Nghĩa, Thuận Thanh, Yên Lưu và Tân Lập. Đến ngày ngày 01.09.1989 giáo xứ nhận Thuận Nghĩa lấy Thánh linh mục Phêrô Vũ Đăng Khoa làm bổn mạng thay cho Đức Mẹ Lộ Đức; đồng thời đổi tên các giáo họ : Thuận Nghĩa thành Phanxicô; Yên Lưu thành Micae, Thuận Thanh thành Giuse, Tân Lập thành Gioan.
Giai đoạn tăng trưởng : Từ lúc hình thành và phát triển, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, khi phải rời quê cha đất tổ, những người con dân Thuận nghĩa vẫn vững vàng giữ đức tin và truyền lại cho cháu con. Sau biến cố năm 1975, với sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, chính trị, và nhất là tôn giáo. Thế nhưng bà con trong giáo xứ, dưới sự dẫn dắt của các mục tử, vẫn âm thầm , và luôn tín thác, giữ vững vàng đức tin. Nhà thờ, nhà xứ nhà giáo lý được xây dựng mới vào những năm:
1. Linh mục Phêrô Nguyễn Linh phụ trách từ 1956 đến 1961 có nhà nguyện đầu tiên mái tôn, vách ván. Năm 1958 nâng cao thành thờ tường gạch, mái tôn mang tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm. Nhà xứ xây mái ngói có gác, trường học 3 lần xây dựng.
2. Linh lục Phê rô Nguyễn Văn Học phụ trách từ năm 1961 đến 1962, có linh mục GB Trần Thúc Định làm phó xứ. Nhà thờ được thay cửa bằng gỗ sao, lắp kính, có nhà để máy phát điện và hồ chứa nước mưa trong khu vực nhà xứ.
3. Linh mục Phê rô Thái Quang Nhàn quản xứ từ 1962 đến 1967, sửa sang cánh phải mặt tiền nhà thờ, xây trụ chống quanh tường nhà thờ, đào các giếng nước trong xứ.
4. Linh mục Giuse Hoàng Phượng, quản xứ từ 1967 đến 1972, xây trường Tiểu học tại khu vực nhà xứ, xây hội trường, xây tượng đài Đức Mẹ Fatima.
5. Thời linh mục Giuse Nguyễn Trọng Báu từ 1972 đến 1991 thay tôn mái nhà thờ. Trong thời gian cha Báu quản xứ có linh mục GB Hoàng Văn Khanh làm phụ tá (1967 đến 1978) và linh mục Giuse Đặng Đình Hoàng làm phụ tá (1978 đến 1980)
6. Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Tiến quản xứ từ 1991 đến 1999 cùng với cộng đoàn xây lại nhà thờ mới kiên cố như chúng ta thấy ngày nay, xây tượng đài trái tim Đức Mẹ, làm nhà giáo lí, xây tường bảo vệ nhà thờ, nhà xứ, bê tông hóa khuôn viên nhà thờ và sửa sang đường sá trong xứ, làm lại tượng đài Đức Mẹ Fatima.
7. Thời linh mục Phê rô Nguyễn Huy Hồng chánh xứ từ 1999 đến 2004, cha tiếp tục các công việc của quý cha đi trước và giúp người tín hữu sống đạo đức một cách tốt đẹp.
8. Thời linh mục Stephano Lê Công Mỹ quản xứ từ năm 2004 đến năm 2010 , cha cho sơn lại nhà thờ, làm mới tiền sảnh, xây dựng nhà giáo lý, lắp thêm nệm lên bàn quỳ ,đào tạo giáo lý viên, cha tập những bài hát lễ, tổ chức sinh hoạt hè và đêm hội vui xuân với những trò chơi dân gian, hát Lô tô.
9. Thời linh mục Antôn Nguyễn Kiến Tú quản xứ từ năm 2010 đến năm 2018, cha đã củng cố và phát triển các hội đoàn, chăm lo cho những người già, bệnh, xây nhà xứ mới, hoàn tất các hồ sơ để Giáo xứ có được khuôn viên mặt tiền rộng và đẹp, nơi mảnh đất trước đây là trường tiểu học Hàm kiệm.
10. Ngày 12/05/2018, Đức Giám quản Tô-ma Nguyễn Văn Trâm đã đưa cha Gia-cô-bê Tạ Chúc về làm chánh xứ Giáo xứ Thuận Nghĩa. Một luồng gió mới thổi vào, cha xứ, anh chị em Hội đồng mục vụ và toàn thể bà con đã xây mới tường rào, trùng tu lại ngôi thánh đường qua việc: thay mái ngói, sơn tường, và la-phông, sơn mới lại các ghế ngồi, sửa sang lại cung thánh, mặt tiền nhà thờ…
Giai đoạn phát triển : Kể từ lúc thành lập cho đến nay, giáo xứ không ngừng phát triển về đời sống kinh tế, văn hóa cũng như tôn giáo.
Đời sống kinh tế: Từ lúc làm ruộng lúa, rồi chuyển sang cây trái thanh long, đời sống kinh tế của bà con ngày càng phát triển và thay da đổi thịt. Nhà cửa được xây dựng khang trang, tỷ lệ hộ nghèo rất ít trong giáo xứ. Trong những năm gần đây, giá thanh long giảm và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covit, xem ra bà con cũng hơi vất vả, nhưng cũng không đến nỗi nào.
Đời sống văn hóa: cũng được nâng cao, con em được học hành tới nơi tới chống, học sinh tốt nghiệp phổ thông, đại học cũng ngày càng cao trong giáo xứ.
Đời sống đức tin: các hội đoàn luôn có xu hướng phát triển, từ Hội đồng mục vụ cho đến các ban ngành đoàn thể. Sinh hoạt tôn giáo những giời kinh các gia đình được quan tâm thúc đẩy, các hoạt động thể thao cho giới trẻ luôn tạo nên bầu khí lành mạnh và vui tươi. Các lớp học giáo lý mỗi tuần và trong tuần, luôn được duy trì và tăng trưởng. Cho đến nay số gia đình công giáo là: 639 gia đình và 2140 nhân khẩu.
Sự phát triển rất đa dạng trong cộng đoàn, đến nay năm 2021 các con đường trong giáo xứ đã đổ nhựa rất sạch sẽ, tạo điều kiện cho việc lưu thông trong các khu xóm. Gần bên cạnh là hai khu công nghiệp, những anh chị em di dân mỗi chúa nhật cũng tham dự các thánh lễ rất đông. Các khu nhà trọ mọc lên san sát, số lượng các công nhân ở các nơi đổ về ngày càng nhiều.